Nón Huế

Những ngày này, trên đường phố Huế lại xuất hiện hình ảnh tưởng như chỉ còn lại trong hoài niệm, đó là nữ sinh với chiếc nón lá nhẹ nhàng đội trên đầu, hay treo trên giỏ xe đạp đến trường. Từ một tuần nay, với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, Trường THPT Chuyên Quốc Học đã phát động các cô giáo và các em nữ sinh mặc áo dài, đội nón lá đến trường. Hơn 200 chiếc nón đã được phát tận tay các cô giáo và các em nữ sinh để mở đầu cho phong trào này.

Nón Huế
Nón Huế

Ban đầu là một chút e ngại, vì sự thay đổi khá đột ngột, và một chút bất tiện khi tham gia giao thông vì chưa quen, nhưng rồi sau đó, cả cô giáo và các em học sinh, ai cũng cảm thấy thích thú với chiếc nón lá duyên dáng. “Mình là người Huế nhưng sinh ra và lớn tại Hà Nội, không được mặc áo dài đội nón bài thơ thời đi học như các bạn ở Huế. Khi trở về dạy học ở đây thì không thấy ai đội nón nữa. Bởi vậy thật là xúc động khi được trở về hình ảnh xưa trong vai trò là một cô giáo”. Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy xúc động cho biết. Còn em Trần Thị Ni, một học sinh lớp 11 thì chia sẻ: “Hôm nào giờ ra chơi tụi em cũng đổi nhau nón để chụp ảnh. Đẹp lắm. Em nghĩ bạn nào cũng thích nhưng vẫn còn e ngại vì chưa quen thôi”.

Hình ảnh nữ sinh Huế với chiếc áo dài và nón bài thơ đến trường một thời là “thương hiệu”, là nét duyên của Huế nói chung và của con gái Huế nói riêng. Mặc áo dài, đội nón lá, con gái Huế trở nên dịu dàng, duyên dáng, thanh tao, mềm mại và kín đáo, như một câu thơ của Trần Quang Long đã viết:

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón

Trời mùa thu mây xanh, có nắng đâu?

Không gian sân trường trở nên thơ mộng hơn. Những nữ sinh tinh khôi trong chiếc áo dài trắng bớt đi cái nghịch ngợm, tác phong năng động của thời kỳ công nghiệp hóa, số hóa, để biết làm duyên với chiếc nón, để biết giữ cho mình sự đằm thắm nữ tính. “Các bạn nữ mặc áo dài đã xinh, đội thêm nón lá càng duyên dáng dịu dàng. Con trai bọn em ai cũng ủng hộ nhiệt tình”. Rất nhiều nam sinh Trường Quốc Học khẳng định như vậy.

200 chiếc nón, chưa đủ để phát cho khoảng 800 nữ sinh của trường Quốc Học. Đây là sự phát động hưởng ứng tuần lễ văn hóa Festival Huế 2012. Nữ sinh Quốc Học dù đã hứng thú với chiếc nón lá, một hình ảnh văn hóa truyền thống rất Huế, song có lẽ vẫn chưa cởi bỏ được e ngại và thói quen thường ngày để tự sắm riêng cho mình một chiếc nón để đến trường, dù một chiếc không quá đắt và không khó mua ở Huế, nơi đang bảo tồn và gìn giữ nghề thủ công chằm nón lá. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ai cũng đã nhận ra, đội nón đến trường thật dịu dàng và đáng yêu. “Em nghĩ nếu nhà trường có nội qui bắt buộc những hôm mặc áo dài đi học phải đội nón lá, chắc chắn các bạn nữ sẽ quen, rồi thích, trở thành một thói quen tốt trong cả năm học. Đội nón lá sẽ khiến các bạn giữ gìn ý tứ, có phong thái dịu dàng nữ tính hơn, điều đó cũng tốt mà”. Hoàng Thị Thanh My, một nữ sinh lớp 11 nhẹ nhàng nhận xét.

Hưởng ứng Tuần lễ Festival Huế 2012, tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố đều vận động nữ sinh và các cô giáo mặc áo dài đi dạy, đi học từ 4- 7 ngày trong tuần. Việc đội nón đến trường mới riêng được phát động tại trường Quốc Học, và điều này đã khiến nhiều nữ sinh trường khác thắc mắc tại sao trường mình lại không cùng thực hiện như vậy…

Còn chúng tôi, và có lẽ còn rất nhiều người yêu Huế khác thì mong muốn, chiếc nón lá duyên dáng sẽ trở lại với thật nhiều nữ sinh Huế trong chiếc áo dài trắng thướt tha những buổi sáng- chiều đến trường, ít nhất là một ngày trong tuần. Điều đó hẳn không quá khó thực hiện, khi có một sự quyết tâm từ phía các trường học, để một nét văn hóa Huế, văn hóa học đường lại tỏa sáng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *